Nước Mỹ trong cảnh “rối trong, khó ngoài”
Trong Thông điệp liên bang năm 2014, Tổng thống Obama đã phải dành tới 95% thời gian để nói về các vấn đề đối nội, bởi ông nhìn thấy nguy cơ chia rẽ trong xã hội, mâu thuẫn hai đảng trong quốc hội có thể sẽ khiến cho mọi nỗ lực hướng tới việc phục hồi nền kinh tế Mỹ trở nên vô nghĩa. Có thể điều lo lắng này mới chỉ xuất phát từ vụ việc liên quan tới “vách đá tài khóa năm 2013” khiến chính phủ phải đóng cửa tới 17 ngày. Nhưng giờ thì sự chia rẽ nội bộ còn trở nên sâu sắc hơn. Ngày 30-7-2014, Hạ viện đã bỏ phiếu thông qua quyết định sẽ tiến hành kiện Tổng thống Barack Obama ra tòa với cáo buộc lạm quyền, không tuân thủ nghiêm Hiến pháp khi ký dự luật cải cách y tế (còn gọi là đạo luật Obamacare). Kể từ ngày 9-8-2014, trong suốt hơn hai tuần lễ, bắt đầu từ thị trấn Ferguson, bang Missouri (nơi xảy ra vụ cảnh sát địa phương bắn chết thanh niên da màu Michel Brown), các cuộc biểu tình của người dân tại hàng chục thành phố càng làm cho tình hình xã hội Mỹ trở nên bất ổn. Chính quyền địa phương đã phải sử dụng tới các lực lượng Vệ binh quốc gia để giải tán người biểu tình.
Các cuộc biểu tình liên quan tới vụ Michel Brown đã không còn chỉ đơn thuần phản ánh sự phản đối của người dân trước cách hành xử phân biệt của chính quyền với người da màu. Bởi nếu đặt cuộc bạo động tại Fegurson bên cạnh một loạt các vụ việc xảy ra trước đó, điển hình như Phong trào chiếm phố Wall (hồi tháng 9-2011) và phong trào lấy chữ ký tại 18 bang (tiêu biểu như tại các bang Louisiana và Texas) yêu cầu li khai khỏi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (hồi tháng 11-2012) v.v., thì rõ ràng sự phân hóa trong lòng xã hội Mỹ đã tới mức báo động đỏ. Hơn thế, khi mà cuộc bầu cử quốc hội đang đến gần thì các cuộc biểu tình này trở thành áp lực không hề nhỏ lên chính quyền Tổng thống Obama.
Chưa biết quyết định không kích tại Iraq (7-8-2014) của chính quyền Obama có phải là một trong những nguyên nhân khiến xã hội Mỹ trở nên rối ren không, nhưng chắc chắn là nó đã khiến nước Mỹ phải bước vào một giai đoạn mới trong cuộc chiến chống khủng bố.
Trong lúc vẫn còn đang loay hoay với những biện pháp nhằm đối phó với nước Nga tại Ucraina, với Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông, thì chính quyền Obama lại phải đối mặt với một loạt vấn đề tại Trung Đông. Khi những cuộc giao tranh vẫn diễn ra ác liệt tại Dải Gaza cũng như tại Lybia, thì ngày 19-8-2014, các lực lượng Hồi giáo tự xưng “Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông” (nay đổi thành Nhà nước Hồi giáo – IS) công bố trên mạng vụ hành quyết nhà báo Mỹ James Foley. Đúng như tên gọi “Thông điệp gửi nước Mỹ” mà nhóm IS đặt cho cuốn băng video, vụ hành quyết nhà báo James Foley đã buộc chính quyền Obama phải nhìn nhận lại về cuộc chiến chống khủng bố, và xa hơn có thể là toàn bộ chính sách đối với Trung Đông.
Kể từ sau khi tiêu diệt được trùm khủng bố Bin Laden (2-5-2011), cuộc chiến chống khủng bố đã không còn chiếm vị trí ưu tiên hàng đầu trong chính sách an ninh của chính quyền Obama, chí ít là trong so sánh với chính quyền tiền nhiệm G. Bush. Thực ra thì ngay trong Thông điệp liên bang 2014, Tổng thống Obama cũng đã không quên cảnh báo về nguy cơ khủng bố: "Tuy chúng ta đã đặt ban lãnh đạo chủ chốt của Al-Qaeda vào con đường dẫn đến thất bại, nhưng mối đe dọa này đã tăng lên, trong lúc các tổ chức có liên hệ với Al-Qaeda cùng những kẻ cực đoan khác đã cắm rễ ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới". Tuy nhiên, giờ đây IS đã trở thành nguy cơ ngoài sự tiên liệu của Nhà Trắng, như lời của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel: “đe dọa đến tất cả lợi ích của Mỹ ở Iraq và toàn cầu”. Theo đánh giá của ông Hagel: “IS không chỉ là một nhóm khủng bố. Chúng kết hợp giữa tư tưởng đạo Hồi và sức mạnh quân sự mang tính chiến thuật cao. Chúng có nguồn tài chính cực kỳ dồi dào. IS mạnh vượt xa những gì chúng ta từng chứng kiến”. Thực tế cho thấy, chỉ riêng việc IS hiện đang chiếm giữ được một vùng lãnh thổ nằm giữa Iraq và Syria có diện tích còn lớn hơn cả nước Jordani, đặc biệt là chính sách lôi kéo các công dân phương Tây tham gia vào IS cũng đủ minh chứng mức độ nguy hiểm của lực lượng này đối với Mỹ đã vượt trên cả tổ chức khủng bố toàn cầu Al Qaeda.
Trong bối cảnh “rối trong, khó ngoài” như vậy, đương nhiên chính quyền Obama sẽ phải đưa ra những quyết định mới nhằm thích ứng, nhưng đó là là điều không hề dễ dàng chút nào.
Không chỉ đến thời của Tổng thống Obama, hầu như các đời tổng thống trước đó cũng đều phải đối mặt với vấn đề chia rẽ nội bộ hay phân biệt đối xử trong xã hội Mỹ. Hiện tại, chính quyền Tổng thống Obama còn gặp khó khăn hơn gấp bội vì cùng lúc vừa phải phục hồi kinh tế, đồng thời lại phải hướng tới giảm thiểu phân hóa xã hội. Một trong những hướng điều chỉnh của chính quyền Obama nhằm giải quyết nhiệm vụ nan giải này chính là Đạo luật Obamacare cũng như Dự luật tăng lương tối thiểu thêm gần 40% (tức là từ 7,25 USD/giờ lên 10,10 USD/giờ). Nhưng khổ nỗi, vào thời điểm hiện tại, mọi thay đổi của tổng thống lại rất dễ bị quy chụp là nhằm kiếm điểm cho cuộc bầu cử, thậm chí chúng lại đang trở thành công cụ để phe đối lập lợi dụng.
Để đối phó với lực lượng IS, rõ ràng các cuộc không kích, vốn được Nhà Trắng coi là biện pháp hữu hiệu nhất, giờ đang tỏ ra không đủ hiệu quả để chữa trị “căn bệnh ung thư” (như cách gọi IS của Tổng thống Obama). Chính việc IS cho công bố vụ hành quyết J. Foley cho thấy, hơn 90 đợt không kích (tính từ hôm 8 đến 25-8-2014) mới chỉ ngăn được đà tiến của IS hay cùng lắm giúp quân đội chính phủ Iraq chiếm lại đập nước Mosul, còn muốn loại bỏ được hoàn toàn IS chính quyền Obama cần có thay đổi lớn về chiến thuật. Chính chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey cũng khẳng định: “Chỉ sức mạnh quân sự của Mỹ là không đủ để chiến thắng. Chúng ta cần sự hỗ trợ của khu vực và của 20 triệu người Hồi giáo Sunni đang sống giữa Baghdad và Damascus”. Trong cuộc chiến chống IS, phải chăng chính quyền Obama đang hướng tới một sự hợp tác sâu rộng và thực chất với cả Iran và Syria. Tuyên bố hợp tác chống IS giữa Iran và Iraq hôm 24-8-2014 đang cho thấy toan tính trên đây của người Mỹ đang dần được hiện thực hóa. Nếu như vậy, chính sách Trung Đông truyền thống của Mỹ có lẽ đã đến lúc được chính quyền Obama chỉnh sửa.
Chưa biết chính quyền Obama sẽ điều chỉnh chính sách đối nội và đối ngoại đến đâu, nhưng để thực hiện được tuyên bố: “2014 có thể là một năm đột phá của Mỹ” thì chắc chắn Tổng thống Obama, và có lẽ là toàn thể công dân Mỹ sẽ còn gặp nhiều khó khăn mới ở phía trước.