Tín hiệu đòi cải cách từ thắng lợi của đảng Syriza
Lãnh tụ đảng cực tả Siriza Alexis Tsipras đã trở thành Thủ tướng trẻ nhất lịch sử Hy Lạp sau chiến thắng áp đảo tại cuộc bầu cử quốc hội ngày 25-1-2014 (đảng Syriza giành được 149 ghế trong quốc hội 300 thành viên với 36,37% số phiếu. Đảng Dân chủ mới của Thủ tướng đương nhiệm Antonis Samaras đã thất bại do chỉ giành được 27,8%).
Dù Hy Lạp chỉ là một nền kinh tế nhỏ bé, với đóng góp hết sức khiêm tốn chưa đầy 2,2% GDP của khu vực đồng euro (eurozone), và khả năng giành thắng lợi của Syriza đã được dự báo trước đó, nhưng kết quả bầu cử vẫn khiến các nhà lãnh đạo EU choáng váng. Ngay sau khi có kết quả sơ bộ, ngày 26-1, các Bộ trưởng tài chính EU đã phải nhóm họp khẩn cấp để tìm cách ứng phó với sự thay đổi lãnh đạo tại Hy Lạp, thậm chí còn bàn cả đến phương án không có Hy Lạp trong eurozne.
Có quá nhiều lý do từ sự thay đổi lãnh đạo của Hy Lạp được nêu ra khiến các nhà lãnh đạo EU phải lo lắng. Trước hết, cũng giống như khi lực lượng cánh hữu giành được 140/751 ghế trong cuộc bầu cử vào Nghị viện châu Âu hồi tháng 5-2014, chỉ riêng việc một đảng cánh tả giành được quyền lực cũng đủ khiến EU phải quan ngại. Đơn giản bởi những đảng này đều có chung quan điểm hoài nghi về liên kết châu Âu. Hơn thế, chủ trương chống chính sách thắt lưng buộc bụng và đòi các chủ nợ phải hủy một phần nợ của Siriza không chỉ đe dọa phá vỡ một trong những định hướng chiến lược đang thịnh hành trong eurozne nhằm khắc phục vấn đề nợ công, mà còn có thể gây xáo trộn nghiêm trọng môi trường đầu tư tại châu Âu.
Nhiều chuyên gia còn vẽ lên một bức tranh ảm đạm đối với tương lai của toàn bộ liên kết châu Âu trong trường hợp Hy Lạp rút khỏi EU, bởi rất dễ dẫn đến phản ứng dây chuyền đối với các thành viên có chung tình trạng như Tây Ban Nha, Síp, thậm chí có thể là cả Italia. Hy Lạp đang được ví như một ngân hàng Lehman Brothers thứ hai ở châu Âu.
Đáng sợ hơn đối với EU là kịch bản đang được nhắc đến nhiều là việc Hy Lạp có thể ngả về phía Nga thông qua sự tham gia vào liên minh thuế quan Á – Âu (gồm Nga, Belorusia và Kazakhstan).
Tuy nhiên, có vẻ như sự thay đổi tại Hy Lạp đang bị cường điệu hóa tới mức vượt xa thực trạng tại châu Âu vào thời điểm hiện tại.
Xét từ phía Hy Lạp, đúng là ngay sau lễ nhậm chức, tân Thủ tướng Alexis Tsipras đã có một số hoạt động nhằm hiện thực hóa những cam kết tranh cử. Đơn cử như việc liên kết với đảng cánh hữu Hy lạp Độc lập (ANEL) để mau chóng thành lập chính phủ mới theo phương châm tinh giảm tối đa và chỉ lựa chọn những người có đức và tài, cụ thể bộ máy chính quyền đã giảm từ 22 bộ xuống chỉ còn 10. Ngay lập tức, chính phủ mới đưa ra quyết định đình chỉ dự án bán 67% cổ phần cảng Piraeus, hủy kế hoạch sa thải công chức theo điều kiện của gói cứu trợ từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Ngày 4-2-2015, Thủ tướng A. Tsipras cùng với tân Bộ trưởng tài chính Yannis Varoufakis có chuyến công du đầu tiên tới trụ sở EU (Brussels) để thảo luận với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker về kế hoạch giảm nợ cũng như chấm dứt các chính sách thắt lưng buộc bụng của nước này. Tuy vậy, bất luận thế nào thì Thủ tướng Tsipras cũng vẫn phải đối mặt với một thực tế nghiệt ngã: Hy Lạp hiện đang nợ nước ngoài tới mức không có khả năng chi trả (lên tới 175% GDP), và Hy Lạp chỉ có thể đàm phán giảm hoặc giản nợ. Hy Lạp lại càng không thể trông chờ vào đề xuất cứu nợ của Bộ trưởng tài chính Nga Anton Siluanov, bởi làm như vậy, chỉ là thay đổi chủ nợ mà thôi. Đó là chưa tính tới khả năng tài chính của Nga liệu có đủ đáp ứng khoản nợ 240 tỷ euro của Hy Lạp, trong khi chính nước Nga cũng còn đang phải vật lộn với cơn suy thoái trầm trọng. Hơn nữa, từ bỏ chính sách kham khổ nhưng để có thể kích thích tăng trưởng thì xét cho cùng, Thủ tướng Tsipras vẫn phải trông chờ vào các nguồn đầu tư nước ngoài. Vào thời điểm hiện tại, kinh tế Hy Lạp không thể phục hồi dựa vào các liệu pháp “sốc”, và vì thế chuyện Hy Lạp rời bỏ EU sẽ chỉ khiến đất nước này mau chóng lâm nạn.
Xét từ phía EU, trước áp lực từ Hy Lạp, chính quyền các nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia, Ireland v.v., có thể sẽ có những điều chỉnh nhằm giảm bớt mức độ “thắt lưng buộc bụng” nhưng chắc cũng khó có thể đưa ra một quyết sách ngược hoàn toàn, càng khó có chuyện rút khỏi EU. Trong bối cảnh hiện tại, nhất là khi còn phải đối mặt với những thách thức an ninh như khủng bố quốc tế, sự liên kết trong eurozone vẫn là giải pháp hiệu quả nhất giúp những quốc gia này khắc phục khủng hoảng. Hiệu ứng domino nếu có thì chỉ giới hạn trong việc chuyển hướng chính sách từ khắc khổ sang tập trung kích thích tăng trưởng mà thôi. Thắng lợi vừa qua của đảng Syriza không đồng nhất với tâm nguyện rời bỏ EU của cử tri Hy Lạp, đơn giản bởi người dân muốn có sự thay đổi theo hướng tích cực hơn chứ không phải cực đoan. Như vậy, kịch bản EU tan vỡ thật khó xảy ra do chính những người muốn rời bỏ nó, như đảng Podemos (Tây Ban Nha), hiện vẫn chưa đưa ra một phương án nào tốt đẹp hơn với việc tiếp tục ở lại. Cũng cần nhấn mạnh thêm, các chủ nợ của Hy Lạp cũng không thể dùng chiêu bài siết nợ để gây sức ép nhằm buộc chính phủ mới trở lại đường ray cũ, bởi có làm vậy thì Hy Lạp cũng không thể có tiền trả nợ.
Nhưng mặt khác, sự cường điệu này cũng có những giá trị nhất định, chí ít nó cũng buộc các nhà lãnh đạo EU phải xem xét lại chính sách khắc phục khủng hoảng nợ công vẫn đang thực hiện trong suốt gần sáu năm qua.
Thắng lợi của Syriza đã minh chứng rõ ràng rằng, toa thuốc "thắt lưng buộc bụng" mà EU áp đặt lên tất cả các con bệnh nợ công là hoàn toàn bất hợp lý và quá cứng nhắc. Bỏ qua sự chênh lệch về trình độ, khác biệt về văn hóa, và quan trọng nhất là ý thức chủ quyền vẫn còn ngự trị cho dù đường biên giới cũng như tiền tệ đã bị xóa bỏ, các nhà lãnh đạo EU đã áp đặt cùng một chính sách lên tất cả các thành viên. Cho dù có thể đã bị ru ngủ bởi thất bại của chính đảng Syriza trong cuộc bầu cử quốc hội tại Hy Lạp hồi tháng 6-2012, nhưng rõ ràng các nhà lãnh đạo EU đã sai lầm khi không quan tâm tới hiệu quả quá thấp của chính sách khắc khổ (trong năm năm thực hiện chính sách này, nền kinh tế Hy Lạp đã suy giảm 25%, tỷ lệ thất nghiệp cũng lên tới 25%). So sánh giữa Đức và Hy Lạp, rõ ràng chính sách khắc khổ chỉ có thể hữu hiệu khi được một chính quyền trong sạch và có uy tín cao thực thi.
Ngoài ra, nếu coi vấn đề nợ công là căn bệnh mãn tính với hầu hết các chính phủ, thì việc chính phủ Ireland từ chối nhận thêm gói cứu trợ của ECB hồi tháng 5-2014 lẽ ra phải được EU nghiêm túc xem lại cách chữa trị bằng giải pháp này. Bơm tiền chỉ để trả nợ là chủ yếu đã biến Hy Lạp, như lời Bộ trưởng tài chính Yanis Varoufakis, "trở thành một thuộc địa mắc nợ".
Dù ECB vẫn đưa ra tối hậu thư với Hy Lạp thông qua tuyên bố ngừng mua trái phiếu chính phủ của nước này (ngày 5-2-2015), nhưng hy vọng EU sẽ sớm nhận ra được những tín hiệu buộc phải cải cách từ sự thay đổi chính trường tại Hy Lạp, nếu không muốn những điều cường điệu trở thành sự thật.