Tổng thống F.Hollande với sứ mệnh “Sưởi ấm châu Âu”
Điều ngạc nhiên ở chỗ, mới chỉ cách đây vài tháng, EU và Nga vẫn đang là đối tác mua bán năng lượng truyền thống của nhau. Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ucraina được cho là lý do chủ yếu khiến đôi bên trở mặt với nhau. Kể từ sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Yanukovych hồi tháng 2, chính xác là sau quyết định sát nhập Crưm của Duma quốc gia Nga, quan hệ EU – Nga bắt đầu xấu dần. Đáp trả lại những biện pháp trừng phạt của EU, Nga tiến hành cấm nhập khẩu một loạt các mặt hàng nông phẩm từ EU. Sự căng thẳng trong mối quan hệ song phương này cứ tăng dần theo thời gian.
Nếu nhìn từ góc độ mâu thuẫn, những gì vừa xảy ra trong tuần lễ đầu tiên của tháng 12 cho thấy, giờ đây quan hệ EU – Nga đang tiến dần tới ngưỡng của sự đối đầu. Ngày 1-12-2014, nhân chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga Putin đột ngột tuyên bố dừng thực hiện dự án "Dòng chảy phương Nam" (South Stream có trị giá ước tính lên đến gần 40 tỷ USD, cung cấp khí đốt từ Nga cho các nước Nam Âu qua Biển Đen). Dự án "Dòng chảy phương Nam" do phía Moscow đề xuất từ năm 2007, và từng được coi như hình mẫu của sự hợp tác giữa ngành dầu khí Nga và các công ty Châu Âu. Có lẽ vì thế mà việc dừng dự án "Dòng chảy phương Nam" bị coi là hành động trừng phạt tiếp theo của Nga nhằm vào EU. Nội bộ EU sẽ khó có thể bình yên trước việc những thành viên như Bulgaria, Serbia và Áo bị thất thu từ dự án này. Thêm nữa, với việc xuất hiện của đường ống dẫn khí đốt mới qua Thổ Nhĩ Kỳ rất có thể sẽ khiến cho bản đồ năng lượng của châu Âu có sự thay đổi lớn.
Ngay sau đó, ngày 2-12-2014, hội nghị các ngoại trưởng các nước thành viên NATO (tổ chức tại Brussel) đã thông qua quyết định xây dựng lực lượng phản ứng nhanh ngay trong đầu năm 2015 và có khả năng triển khai tại bất kỳ đâu ở châu Âu trong 48 giờ. Trước đó hồi tháng 9-2014, tại hội nghị thượng đỉnh ở xứ Wales, các nhà lãnh đạo NATO đã thỏa thuận sẽ thành lập lực lượng này vào năm 2016. Chính vì thế, quyết định mới này được cho là phản ứng quyết liệt nhất của NATO đối với Nga kể từ khi cuộc khủng hoảng Ucraina bùng phát.
Tuy nhiên, nếu đánh giá theo góc độ ngược lại, các vụ việc nêu trên cũng có thể coi như những tín hiệu muốn "hạ nhiệt" của đôi bên.
Việc dừng dự án "Dòng chảy phương Nam" cũng gây cho nước Nga những mất mát không nhỏ, mà trước hết chắc chắn sẽ khiến tập đoàn dầu khí của Nga Gazprom chịu thiệt hại nhiều nhất, bởi là bên đóng góp tới 50% vốn của dự án. Cách lý giải "nước Nga sẽ tiết kiệm được 2/3 số vốn nếu xây dựng đường ống qua Thổ Nhĩ Kỳ" của giám đốc điều hành Gazprom Alexei Miller, người tháp tùng Tổng thống Nga Putin đến Thổ Nhĩ Kỳ, có thể hiểu là một cách công khai từ phía nước Nga về khả năng tài chính đã không còn dư dả. Hơn thế, việc chọn đối tác mới là Thổ Nhĩ Kỳ, tuy không thuộc EU nhưng lại là một thành viên của NATO, có vẻ hoàn toàn phù hợp với tinh thần "nước Nga luôn mong muốn tiếp tục duy trì đối thoại với EU" của Tổng thống Putin nêu trong bản Thông điệp Liên Bang (ngày 4-12-2014).
Tuyên bố liên quan tới quyết định thành lập lực lượng phản ứng nhanh sớm hơn dự kiến của ông Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg: "Điều này sẽ làm cho chúng ta chuẩn bị tốt hơn để ngăn chặn bất kỳ cuộc khủng hoảng phát sinh chung quanh biên giới NATO", đúng là có thể buộc người Nga phải có những phương án phòng ngừa, bởi mối nguy hiểm từ NATO đã cận kề biên giới. Nhưng xét cho cùng, các thành viên NATO cũng đều hiểu rằng, họ không thể gây chiến với người Nga vì cuộc khủng hoảng Ucraina. Hơn thế, giờ đây khi mà sức ép trong suốt gần năm qua lên nước Nga vẫn không làm thay đổi được cục diện cuộc khủng hoảng Ucraina thì việc phải quay trở lại hợp tác với Nga là điều khó tránh đối với EU.
Những thiệt hại mà cả đôi bên đang phải gánh chịu chính là điều làm tăng thêm tính thuyết phục cho cách đánh giá này. Những biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến cho nền kinh tế Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tỷ lệ tăng trưởng sẽ chỉ đạt được mức tối đa là 0,8% trong năm 2014, còn tỷ giá đồng rúp đã giảm 35% so với USD. EU cũng rơi vào cảnh chẳng mấy dễ chịu bởi lượng khí đốt nhập từ Nga bị ngưng trệ, do một nửa trong tổng số 30% khí đốt nhập khẩu từ Nga đi qua hệ thống ống dẫn trên lãnh thổ Ucraina.
Minh chứng thêm cho cách nhìn nhận này chính là chuyến viếng thăm chớp nhoáng Moscow của Tổng thống Pháp Francois Hollande (hôm 6-12-2014, tại sân bay Vnukovo (ngoại ô Moscow), Tổng thống Hollande đã có cuộc tọa đàm với người đồng cấp Nga Putin trong hai giờ). Tổng thống Hollande đến Moscow trong bối cảnh quan hệ Pháp – Nga đang căng thẳng bởi vụ Pháp trì hoãn bàn giao hai tàu chiến hiện đại lớp Mistral cho Nga theo hợp đồng ký năm 2011. Tuy nhiên, trong thời gian tọa đàm với người đồng cấp V. Putin, cả hai bên đều không hề đề cập tới vụ việc này. Ngoài ra, trong suốt thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng Ucraina, cộng đồng quốc tế hầu như không thấy Tổng thống Hollande có một vai trò nổi bật nào trong cuộc khủng hoảng Ucraina, chí ít là so với Thủ tướng Đức Angela Mekel. Có lẽ vì thế, cùng với mối quan hệ "thân tình truyền thống" giữa Paris và Moscow, Tổng thống Hollande đã được EU giao cho trọng trách là lãnh đạo phương Tây đầu tiên tới thăm Nga kể từ khi khủng hoảng Ukraine nổ ra.
Thông điệp muốn "bình thường hóa" quan hệ của cả EU và Nga đã được phát đi. Phát biểu của ông Hollande sau cuộc tọa đàm: "Căng thẳng Ucraina có thể xuống thang nếu thỏa thuận ngừng bắn được Kiev và phe ly khai ký kết tại Minsk hồi tháng 9 được thực hiện nghiêm chỉnh. Pháp muốn cuộc khủng hoảng này kết thúc vì nó đang gây ra đau khổ cho người dân Ukraine và cản trở các nước xúc tiến quan hệ với Nga do các lệnh trừng phạt". Tổng thống Nga Vladimir Putin thì đáp lại: “Có những vấn đề hết sức phức tạp, tuy nhiên, cuộc thảo luận mà chúng ta đang dẫn dầu sẽ vẫn mang lại một kết quả tích cực. Tôi chắc chắn rằng chuyến thăm hôm nay sẽ có lợi cho việc giải quyết nhiều vấn đề”.
Dường như, EU và Nga đã tiến tới cùng một nhận thức về sự cần thiết phải tìm biện pháp cải thiện tình hình căng thẳng. Chưa biết chuyến viếng thăm của Tổng thống Hollande có khả năng đáp ứng được kỳ vọng này không, bởi nó diễn ra quá bất ngờ và ngắn ngủi. Dù sao, với tuyên bố: “Tôi hy vọng sẽ tiếp tục có những cuộc tiếp xúc giữa Nga và Pháp. Chúng ta cần phải tìm ra một giải pháp. Tôi cho rằng có những thời điểm mà chúng ta cần phải chớp lấy cơ hội. Thời điểm đó sẽ tới”, Tổng thống Hollande ít nhiều đã giúp người dân châu Âu cảm thấy dỡ giá lạnh hơn.