Bầu cử EP: “cơn địa chấn” tạo thêm lỗ thủng
Lần đầu tiên kể từ năm 1979, khi EP – cơ quan lập pháp tối cao của Liên hiệp châu Âu (lúc đó còn là Cộng đồng kinh tế châu Âu – EEC) được bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu, các đảng cực hữu có tư tưởng hoài nghi vào tương lai châu Âu và chống đồng tiền chung euro đã giành được thắng lợi ngoài sức tưởng tượng – 140 trên tổng số 751 ghế tại EP. Kết quả gây “sốc” tới mức, ngay lập tức ngày 27-5, các nhà lãnh đạo EU đã phải tổ chức một phiên họp cấp cao bất thường để thảo luận về những gì vừa diễn ra trong cuộc bầu cử nghị viện châu Âu. Thắng lợi của các đảng Eurosceptic (phản đối EU) chẳng khác gì một đòn đánh tiếp theo vào tương lai của EU vốn vẫn đang chao đảo bởi căn bệnh nợ công.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại cả một chặng đường hình thành và phát triển của EU, bắt đầu từ Cộng đồng than – thép (ECSC được thành lập năm 1952 theo Hiệp ước Paris 1951) đến ngày hôm nay, lẽ ra các nhà lãnh đạo EU phải không bất ngờ với kết quả bầu cử trên mới đúng.
Đúng là từ khi ra đời, EU luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá là một mẫu hình tổ chức khu vực thành công nhất của lịch sử thế giới hiện đại. Không phải vô cớ mà mọi tổ chức khu vực khác luôn lấy EU làm tiêu chí để so sánh. Giải Nobel hòa bình năm 2012 dành cho EU đã nói lên thành công về mọi mặt của liên kết này. Nhưng có thể cũng chính vì niềm kiêu hãnh này mà các nhà lãnh đạo của EU đôi khi bỏ qua những khiếm khuyết, mà nếu được sửa chữa kịp thời thì EU có thể không rơi vào tình cảnh như hiện nay.
Trong nhiều vấn đề của EU, quá trình kết nạp thành viên mới là một minh chứng rõ ràng hơn cả. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, mục đích chính của việc kết nạp thêm thành viên chủ yếu là nhằm quảng bá sức hấp dẫn của EEC. Theo quy định của Hiệp ước Rome (năm 1957), bất cứ nước châu Âu nào cũng có thể gia nhập EEC, và vì thế tuy có sự khác biệt lớn về trình độ phát triển nhưng Hy Lạp, Síp, Bồ Đào Nha đã dễ dàng gia nhập tổ chức này vào cuối thập kỷ 80 của Thế kỷ 20. Nhưng đến Hiệp ước Masstricht năm 1992 (hiệp ước thành lập EU), những tiêu chí để có thể trở thành thành viên EU trở nên khắt khe hơn nhiều (còn gọi là “Tiêu chuẩn Copenhagen 1993”), mà một trong những tiêu chí đó là tỷ lệ lạm phát không được vượt quá 3% năm. Tuy nhiên, trong những đợt mở rộng năm 2004, 2007 và 2010, hầu như chẳng có thành viên mới nào đạt được tiêu chí này, thậm chí nước Đức – một trong những trụ cột của EU còn chưa đáp ứng được. Tốc độ mở rộng quá nhanh (từ 12 lên 28 thành viên) đã buộc các nhà lãnh đạo EU phải giảm nhẹ các tiêu chuẩn, đặc biệt là các tiêu chí kinh tế. Đương nhiên, các nhà lãnh đạo EU đều hiểu rõ những nguy cơ nảy sinh từ sự dễ dãi này.
Thế nhưng, để khắc phục những khiếm khuyết này, thậm chí đã được cảnh báo bởi thất bại trong việc thông qua bản Hiến pháp chung EU vào năm 2005, EU đã lựa chọn biện pháp tập trung quyền lực vào các cơ quan lập pháp (Nghị viện và Hội đồng châu Âu) và hành pháp (Ủy ban châu Âu và Ủy ban đối ngoại). Đặc biệt, một số chính sách của EU trong các lĩnh vực nhạy cảm như tư pháp, nội chính sẽ chuyển từ "cơ chế biểu quyết đa số hữu hiệu" sang "cơ chế biểu quyết đa số song trùng", nghĩa là chỉ cần 55% số nước thành viên và 65% người dân EU ủng hộ thì sẽ được thông qua. Những nội dung này được pháp điển hóa bằng Hiệp ước Lisbon năm 2007 (bắt đầu có hiệu lực từ 1-12-2009). Chính vì thế, Hiệp ước Lisbon có thể coi là biểu tượng của tham vọng đẩy nhanh tiến độ nhất thể hóa của EU. Cách khắc phục mới này lại càng đào sâu thêm những bất đồng trong lựa chọn chính sách giữa các thành viên có trình độ còn rất khác nhau, nhất là giữa nhóm thành viên cũ và mới.
Cuộc khủng hoảng nợ công, bắt đầu từ Hy Lạp năm 2009 rồi mau chóng lan rộng ra nhiều nước trong khu vực đồng euro, đã khiến những khiếm khuyết của sự hoàn hảo không thể che đậy mãi. Đây có thể coi là lỗ thủng đầu tiên trong tiến trình nhất thể hóa của EU.
Giống như con tàu đang chạy trên đường ray đã định, để chữa trị căn bệnh nợ công EU, điển hình là nước Đức, đã đề cao chính sách thắt lưng buộc bụng như thể không còn một lựa chọn nào tốt hơn. Cũng có những ý tưởng về tập trung tăng trưởng, như chương trình tranh cử của Tổng thống Francois Hollande năm 2012, nhưng mau chóng bị “đa số phiếu” tại EU phủ nhận.
Không thể phủ nhận cái lý của các nhà lãnh đạo EU trong việc lựa chọn các giải pháp thắt chặt chi tiêu, bởi căn nguyên của vấn nạn nợ công chính là việc các chính phủ đã chi tiêu không hợp lý tới mức “quá tay”. Tuy nhiên, chính việc các chính phủ Hy Lạp, Ai-len, Síp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha v.v. bị trói buộc bởi những quy định ngặt nghèo của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) lại càng đẩy các nước này rơi sâu vào khủng hoảng. Hệ quả tất yếu là sự thất vọng của phần lớn người lao động đối với tương lai của liên kết EU, trước hết là với đồng tiền chung euro. Nguy hiểm hơn, nỗi thất vọng này còn lan tỏa đến một số nhà lãnh đạo, điển hình là Thủ tướng Anh David Cameron (người đã tuyên bố sẽ cho trưng cầu dân ý vào năm 2017 về việc nước Anh có nên rút khỏi EU).
Tình trạng kinh tế-xã hội ảm đạm, trước hết trong khu vực đồng euro, đã tạo điều kiện không thể tốt hơn cho các đảng cực hữu giành thắng lợi trong cuộc bầu cử nghị viện vừa qua. Điển hình nhất là thắng lợi của đảng cực hữu Mặt Trận Tổ Quốc tại Pháp với 25% phiếu bầu, tương đương sẽ là 25 ghế ở Nghị viện châu Âu (năm 2009 đảng này chỉ giành được 3 ghế). Lý giải cho chiến thắng, thủ lĩnh của đảng Mặt trận tổ quốc, bà Marine Le Pen phát biểu: “Người dân đã lên tiếng một cách rõ ràng và mạnh mẽ. Họ không còn muốn bị lãnh đạo bởi những người nằm ngoài biên giới của chúng ta, bởi những ủy viên châu Âu và những nhà kỹ trị không qua bầu cử. Họ muốn được bảo vệ trước toàn cầu hóa và giành lại quyền làm chủ số phận mình”.
Như vậy, “cơn địa chấn chính trị” như lời Thủ tướng Pháp Manuel Valls thực ra đã được cảnh báo từ rất sớm, nó nảy sinh từ chính tiến trình phát triển của EU. Cũng rất may là tuơng lai của 500 triệu dân EU chưa dễ dàng bị thay đổi hoàn toàn bởi kết quả bầu cử này. Đảng Nhân dân châu Âu trung tả vẫn sẽ nắm quyền chủ đạo tại EP do vẫn giành được 211 ghế.
Tuy nhiên, thắng lợi của các đảng cực hữu không chỉ là lỗ thủng tiếp theo của tiến trình nhất thể hóa của EU, mà nó còn nguy hiểm hơn những khiếm khuyết trước đây bởi liên quan tới tư tưởng, nếp nghĩ của người dân. Một điều có thể khẳng định rằng, trong nhiệm kỳ năm năm này, các lực lượng cực hữu này sẽ có những tác động nhất định tới đường hướng chính sách của EU. Tương lai của EU đang phụ thuộc vào cách khắc phục những lỗ thủng này.