NATO giữa ngã ba đường
Ngày 4-4-1949, tại Washington, trên cơ sở liên minh quân sự còn gọi là “Điều ước Brussels” ký giữa Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg tháng 3-1948, khối quân sự Bắc Đại Tây Dương đã được thành lập với sự tham gia của 12 thành viên ban đầu. NATO có thể coi là một liên minh quân sự theo mô típ cổ điển, một tổ chức phòng thủ tập thể dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa hiện thực chính trị. Điều này thể hiện rõ nét nhất trong điều 5 của hiệp ước Washington: “Nếu một thành viên bị tấn công quân sự thì Khối NATO coi như bị tấn công vào mọi nước thành viên”.
Nói cách khác, NATO là sự gắn kết lợi ích giữa các thành viên trong quá trình đối phó với các nguy cơ an ninh. Do nhận thức “chủ nghĩa cộng sản là mối đe dọa lớn nhất”, nên trong hơn 4 thập kỷ thời Chiến tranh lạnh, mục tiêu hàng đầu của NATO là nhằm đối phó với các nước XHCN ở Liên Xô và Đông Âu thông qua các biện pháp răn đe quân sự là chủ yếu. Ngoài ra, cùng với sự hợp tác về kinh tế và chính trị, NATO đã góp phần gắn kết các thành viên trong một liên minh theo đúng quan điểm an ninh truyền thống – “phòng thủ tập thể”.
Sự tan rã của Liên Xô cùng với sự giải thể của khối quân sự Varsava đã khiến NATO phải điều chỉnh chiến lược nhằm thích ứng với những thay đổi của môi trường an ninh châu Âu. Tại hội nghị thượng đỉnh năm 1991 (Rome, Italia), lần đầu tiên NATO đã công bố công khai rộng rãi chiến lược an ninh mới. Sự thay đổi lớn nhất trong chiến lược mới này là việc NATO chuyển đổi từ một liên minh phòng thủ với mục tiêu hạn chế (đối phó với các nước XHCN) thành một liên minh an ninh có tầm hoạt động khắp châu lục, đồng thời nhấn mạnh đến những công cụ chính trị (chứ không phải quân sự), như đối thoại, hợp tác và can dự (ngăn ngừa xung đột và quản lý khủng hoảng). Quyết định tiếp tục mở rộng thành viên (còn gọi là quá trình “Đông tiến”) cũng có thể coi là một điểm nhấn của chiến lược thời hậu Chiến tranh lạnh này.
Các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo tại khu vực Trung Đông Âu và Balkan đã buộc NATO phải tiếp tục có những điều chỉnh trong chiến lược an ninh. Ngày 4-4-1999, nhân dịp kỷ niệm 50 năm, hội nghị thượng đỉnh NATO tại Washington đã công bố chiến lược mới, thực chất là cập nhật chiến lược 1991 trước những biến động của châu lục. Với tiêu đề: “Phương hướng tiếp cận vấn đề an ninh trong thế kỷ 21”, trong lần điều chỉnh này, NATO vẫn dựa vào nền tảng của chiến lược năm 1991 nhưng lại quay trở lại việc nhấn mạnh vai trò quân sự của khối. Sự thay đổi lớn nhất có lẽ là việc lần đầu tiên NATO sẽ thực thi nhiệm vụ “ngăn ngừa xung đột và quản lý khủng hoảng” (được coi là nhiệm vụ an ninh trọng tâm) bên ngoài lãnh thổ của NATO. Chính sách mở rộng NATO cũng lần đầu tiên được chính thức đưa vào chiến lược. Cũng tại đây, NATO đã kết nạp ba nước Đông Âu đầu tiên thuộc khối Varsava, là Ba Lan, Séc và Hungari. NATO đã chuyển hướng từ “phòng thủ thụ động” sang “phòng thủ tích cực”. Cuộc chiến tại Kosovo năm 1999 chính là sản phẩm đầu tiên của chiến lược này.
Sau sự kiện khủng bố 11-9-2001, cuộc chiến chống khủng bố trong gần một thập kỷ đã tác động mạnh tới NATO, và vì thế việc tiếp tục điều chỉnh chiến lược an ninh là đòi hỏi tất yếu. Ngày 19 và 20-11-2010, tại Lisbon (Bồ Đào Nha) hội nghị thượng đỉnh NATO đã công bố một bản chiến lược mới của khối. Điểm mới nhất trong lần điều chỉnh này là quyết định “toàn cầu hóa” các hoạt động của NATO cũng như tăng cường hợp tác với Nga trong quá trình đối phó với các nguy cơ an ninh phi truyền thống. Chiến dịch không kích Lybia năm 2011 có thể coi là bước đi thực tế đầu tiên nhằm hiện thực hóa chiến lược mới này.
Như vậy, cứ sau mỗi những thay đổi lớn của môi trường an ninh châu Âu cũng như toàn cầu, NATO đều mau chóng có những điều chỉnh, trước hết là nhằm khẳng định sự tồn tại của NATO là cần thiết.
Kể từ năm 2013 đến nay, môi trường an ninh quốc tế đã có những biến đổi to lớn bởi hàng loạt các cuộc khủng hoảng, tiêu biểu như xung đột tại Ucraina hay tình trạng hỗn loạn tại Trung Đông, nhất là việc xuất hiện nguy cơ khủng bố mới từ lực lượng nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq và Syria v.v. Đương nhiên, tình hình này đã đe dọa nghiêm trọng tới lợi ích của tất cả các thành viên NATO, đồng thời còn cho thấy sự hạn chế của chiến lược năm 2010.
Nhưng thật ngạc nhiên, tại hội nghị thượng đỉnh 2014 đã không có một chiến lược mới nào được đưa ra, thậm chí còn không được bàn đến. Những biện pháp được thông qua của hội nghị nhằm đối phó với các nguy cơ hiện hữu còn cho thấy sự lúng túng của NATO.
Trong vấn đề Ucraina, các nhà lãnh đạo NATO, một mặt khẳng định tiếp tục theo đuổi chính sách trừng phạt nhằm buộc Nga "phải rút quân và vũ khí ra khỏi Ucraina", mặt khác sẽ tăng cường các biện để bảo vệ các thành viên của khối. Đúng là NATO đã phát đi những thông điệp có tính răn đe mạnh mẽ hơn với Nga, như chuyến công du trước thềm hội nghị của Tổng thống Mỹ B. Obama tới Estonia, một nước Baltic có tới 25% dân số gốc Nga, hay quyết định thành lập một đội phản ứng nhanh với 5.000 quân v.v. Đặc biệt, sau rất nhiều cuộc tranh cãi, ngày 9-9-2014, EU đã quyết định tăng các biện pháp trừng phạt Nga lên cấp độ 3 (nhằm vào các ngành năng lượng và tài chính). Tuy nhiên, chính tuyên bố "EU sẽ xem xét tháo gỡ các lệnh trừng phạt này theo tình hình ngừng bắn ở Ucraina" cho thấy, rõ ràng đến ngay những người đang tiến hành các biện pháp này cũng không hoàn toàn tin tưởng vào tính hiệu quả. Bởi đúng như Thủ tướng Nga D. Medvedev phát biểu với báo giới cùng ngày (9-9-2014): "Các biện pháp trừng phạt của EU sẽ như con dao hai lưỡi, chúng sẽ không đem đến hòa bình cho Ucraina mà còn đe dọa phá vỡ an ninh toàn cầu, bởi nước Nga cũng sẽ phải có những biện pháp đáp trả, như đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không EU". Sở dĩ, cho đến thời điểm hiện tại, cách ứng phó với Nga vẫn chưa thực sự rõ ràng bởi NATO không muốn đối đầu với Nga như thời Chiến tranh lạnh, nhưng cũng không thể làm ngơ với những hành động đe dọa sẽ phá vỡ nguyên trạng châu Âu của Điện Kremlin.
Cách ứng xử với Ucraina cũng trong tình trạng tương tự. Đáp lại lời kêu gọi viện trợ vũ khí của Tổng thống Ucraina Poroshenko, hội nghị chỉ cam kết thành lập Quỹ hỗ trợ nâng cao năng lực quân sự của Ucraina (khoảng 15 triệu euro, một con số quá nhỏ so với yêu cầu cảu Kiev). NATO không hứa cung cấp vũ khí cho Ucraina, đồng thời cũng không cho thấy bất cứ một tín hiệu ủng hộ nào đối với đề nghị gia nhập tổ chức này của Kiev.
Trong vấn đề đối phó với mối đe dọa từ nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), kết quả của hội nghị thượng đỉnh 2014 có thể coi là bước thụt lùi so với chiến lược 2010. Sau những hành động khủng bố, như các vụ hành quyết nhà báo James Foley và Steven Scotloff, IS trở thành mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với NATO tại Trung Đông.
Mặc dù các nhà lãnh đạo NATO đều hiểu rằng, các chiến dịch không kích vào IS tại Iraq cũng như cung cấp vũ khí cho người Kurd khó có thể tiêu diệt hoàn toàn được mối hiểm họa này, nhưng hội nghị thượng đỉnh 2014 cũng chỉ đưa ra được lời kêu gọi thành lập một liên minh toàn cầu chống IS. Ý tưởng này một lần nữa được Tổng thống B. Obama nhắc lại trong bài diễn văn được chờ đợi tối ngày 9-9-2014. Nỗi ám ảnh từ các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan có lẽ đã khiến NATO không còn mạnh mẽ trong việc động binh như mấy năm về trước.
Trên thực tế, ngay tại khu vực Trung Đông, chính việc mong muốn có được một liên minh chống IS lại khiến NATO rơi vào cảnh tự làm khó mình khi cùng lúc không muốn mất đi những lợi ích tại Syria và Iran. NATO thực sự lúng túng trong việc đảm bảo các lợi ích bên ngoài biên giới của khối.
Đương nhiên, ai cũng thấy mức độ nan giải của những nguy cơ mà NATO đang phải đối phó, mà hai vụ việc nêu trên là ví dụ điển hình. Tuy nhiên, kết quả của hội nghị thượng đỉnh 2014 cho thấy, NATO đã không có một sự thay đổi nào đáng kể. Đơn cử như việc NATO quy trách nhiệm hoàn toàn cho Nga trong vấn đề Ucraina, dù không đưa ra được một bằng chứng thuyết phục nào – cố gắng có được một đối tượng cụ thể chính là cách tiếp cận an ninh theo kiểu “phòng thủ tập thể cổ điển”.
Sự trì trệ này còn được thể hiện qua việc các thành viên NATO đã không chịu công nhận một sự thật – sự đóng góp tài chính thiếu cân đối giữa các thành viên. Các thành viên NATO vẫn tiếp tục phải cố né tránh vấn đề đã tồn tại 65 năm qua có lẽ còn do cảnh ngộ thiếu hụt nguồn lực của tất cả 28 thành viên. Và đây có lẽ mới là nguyên nhân chính khiến NATO đang chịu cảnh phân vân giữa ngã ba đường trong việc lựa chọn chính sách.