Liệu có “vách đá Cộng hòa” với chính quyền Obama?
Tuy vẫn còn phải đợi kết quả bầu cử ở một số bang cuối cùng, nhưng việc đã giành tới 52/100 ghế tại Thượng viện và ít nhất là 237/436 ghế ở Hạ viện, lần đầu tiên kể từ năm 2006, Đảng Cộng hòa đã chính thức thâu tóm quyền lực ở quốc hội. Thắng lợi của Đảng Cộng hòa càng có tính thuyết phục hơn khi họ giành được lá phiếu tại bang West Virginia, nơi vốn là căn cứ địa của đảng Dân chủ trong suốt gần 30 năm qua. Cục diện mới của chính trường Mỹ báo hiệu chính phủ của Tổng thống Obama sẽ gặp không ít khó khăn trong hai năm cuối của nhiệm kỳ.
Liệu tổng thống có phải đối mặt với sự chống đối của phe Cộng hòa, giờ đây chắc chắn sẽ mạnh mẽ hơn giai đoạn trước nhờ ưu thế có được sau cuộc bầu cử vừa qua, như một biến thể của "vách đá tài khóa" như hồi cuối năm 2013? Điều lo lắng này là hoàn toàn hợp lý, trước hết là bởi sự phản biện, chống đối giữa hai đảng luôn diễn ra trong suốt chiều dài lịch sử nước Mỹ. Những cuộc đấu đá giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã được coi là hơi thở chính của đời sống chính trị Mỹ. Hơn nữa, một số chính sách của chính phủ Obama đang theo đuổi, tiêu biểu là Đạo luật bảo hiểm y tế (còn gọi là Obamacare), bị coi là đe dọa đến lợi ích của không ít thành viên Đảng Cộng hòa. Không loại trừ khả năng, các nghị sĩ phe đa số Cộng hòa sẽ sử dụng ưu thế tại lưỡng viện quốc hội để cản trở hoạt động của chính phủ, như một biện pháp nhằm hạ thấp uy tín của Đảng Dân chủ - một bước chạy đà cho cuộc đua vào nhà Trắng cuối năm 2016.
Tuy nhiên, nếu căn cứ vào những vấn đề, cả ở trong nước lẫn quốc tế, mà nước Mỹ đang phải đối mặt hiện nay, chưa chắc thảm kịch đối đầu giữa chính phủ và quốc hội đã xảy ra, chí ít thì mối quan hệ giữa hai nhánh quyền lực hành pháp và lập pháp cũng không còn rơi vào cảnh quá bế tắc như trong suốt thời gian qua. Điều này có thể lý giải bởi một số lý do sau:
Thứ nhất, đây không phải là lần đầu tiên nước Mỹ rơi vào cảnh tổng thống không kiểm soát được ít nhất là một viện của quốc hội. Điều tương tự hiện tại đã từng xảy ra dưới thời tổng thống D. Eisenhower, R. Reagan, B. Clinton và G. Bush. Trong những lần đó, chính những vấn đề quá phức tạp và khó giải quyết mà nước Mỹ đang phải đối đầu đã góp phần làm dịu đi mâu thuẫn giữa quốc hội và chính phủ.
Thứ hai, cả hai phía, kẻ thắng và người thua đều đã đưa ra những tín hiệu đầu tiên cho thấy, họ có chung một nhận thức về sự cần thiết phải chung tay bảo vệ lợi ích của nước Mỹ. Ngay sau khi có kết quả sơ bộ, trong bài phát biểu mừng chiến thắng, thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell, người sẽ trở thành chủ tịch phe đa số tại Thượng viện đã nhắc tới việc phải khắc phục bất đồng hiện nay giữa chính phủ và quốc hội trên tinh thần tôn trọng Hiến pháp. Còn Tổng thống Obama, trong bài phát biểu đầu tiên sau cuộc bầu cử (ngày 6-11-2014), nhấn mạnh về sự cần thiết phải đoàn kết và hợp tác. Trước đó, lãnh tụ phe đa số hiện nay (quốc hội mới sẽ bắt đầu nhiệm kỳ vào tháng 1 năm 2015) - thượng nghị sĩ Dân chủ Harry Reid khi chúc mừng ông McConnell đã nhấn mạnh: "thông điệp của cử tri rất rõ ràng. Họ muốn chúng ta làm việc cùng nhau. Tôi trông đợi hợp tác với thượng nghị sĩ McConnell để đem lại được nhiều điều cho tầng lớp trung lưu".
Thứ ba, chính thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội lần này lại là liều thuốc ngăn cản những hành động chống đối tới mức thái quá của phe Cộng hòa. Các nghị sĩ phe Cộng hòa chắc chắn chưa thể quên cái giá phải trả sau vụ gây sức ép buộc chính phủ phải đóng cửa tới 17 ngày hồi tháng 10 năm 2013. Ngoài thiệt hại ước tính lên đến khoảng 24 tỷ USD mà cả nước Mỹ phải gánh chịu, uy tín của chính đảng Cộng hòa cũng bị giảm sút nghiêm trọng. Hơn nữa, các nghị sĩ Cộng hòa thừa hiểu, chiến thắng mà họ vừa giành được không hoàn toàn bởi cử tri tin rằng họ sẽ làm tốt hơn phe Dân chủ, mà đơn giản người dân Mỹ không muốn mãi phải chứng kiến một chính phủ bất lực trước mâu thuẫn giữa lưỡng viện. Chính mâu thuẫn này đã khiến quốc hội khóa 113 này bị đánh giá là một trong những kỳ quốc hội yếu kém nhất trong lịch sử nước Mỹ. Kết quả của cuộc bầu cử giúp tạo ra một quốc hội thống nhất, nhưng không phải vì thế mà phe Cộng hòa có thể lạm dụng nguyên tắc "cân bằng và kiểm soát" của hệ thống chính trị Mỹ. Tiếp tục chính sách đối đầu với Dân chủ, rất có thể phe Cộng hòa sẽ đánh mất luôn niềm tin của cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống 2016.
Thứ tư, theo chiều ngược lại, thất bại vừa qua cũng giúp cho phe Dân chủ có những điều chỉnh cần thiết để có thể khắc phục những hạn chế hiện hữu. Đơn cử như trong vấn đề thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm xuống 5,9% (so với 10,3% năm 2009) và GDP tăng 3,5% trong quý III/2014, đây có thể coi là thành tích đạt đáng kinh ngạc trong trong bối cảnh khủng hoảng, nhưng đó là con số tình trung bình toàn nước Mỹ. Cử tri ở những bang có tỷ lệ thất nghiệp vẫn trên 10% đương nhiên có lý do không hài lòng với chính phủ. Trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ, Tổng thống Obama không những phải tiếp tục điều hành đất nước để hoàn thành những mục tiêu đã đề ra, mà ông còn phải làm tốt để có thể giành lại điểm cho Đảng Dân chủ trong năm bầu cử 2016. Điều kiện tiên quyết để làm được điều này là cần phải có sự thỏa hiệp với quốc hội của phe đa số Cộng hòa.
Cuối cùng, chính sự đồng thuận, trong so sánh với những tranh cãi trong các vấn đề đối nội, giữa hai đảng trong các vấn đề đề quốc tế nan giải hiện nay, từ cuộc chiến chống IS tới ngăn chặn đại dịch Ebola, hay cách đối phó với những cường quốc mới nổi như Nga hay Trung Quốc, đặc biệt là trong tiến trình đàm phám các hiệp định đối tác xuyên Đại Tây Dương và Thái Bình Dương v.v., trở thành một ví dụ điển hình, thậm chí ở một mức độ nào đó, có thể coi là động lực giúp những người đã được cử tri Mỹ bầu ra, từ tổng thống tới các nghị sĩ, hiểu rõ hơn rằng, để bảo vệ lợi ích của nước Mỹ họ phải có chung một hướng nhìn.
Tất nhiên, dự cảm này không thể khỏa lấp một thực tế - chiến thắng của Đảng Cộng hòa đã trở thành một "vách đá" buộc chính phủ Obama phải vượt qua. Vách đá tài khóa 2014 đã được Tổng thống Obama vượt qua bằng biện pháp cứng rắn, bởi lúc đó ông đang kiểm soát được thượng viện. Trong bài phát biểu hôm 6-11-2014, tuy Tổng thống Obama có nhắc đến khả năng sẽ sử dụng quyền hành pháp để phủ quyết những đạo luật mà ông cảm thấy không hợp lý, nhưng chắc tổng thống thừa hiểu rằng, giờ đây, liệu pháp này rõ ràng không còn thích hợp nữa.
Như vậy, tương lai của nước Mỹ trong hai năm tới hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ nhượng bộ của hai phe Cộng hòa và Dân chủ.