Liệu Trung Đông có đảo lộn bởi ISIL?
Việc ISIL đánh chiếm được ba thành phố lớn quan trọng của Iraq là Mosul, Tikrit và Tal Afar khiến cho tuyên bố “sẽ tiến về đánh chiếm thủ đô Baghdad” của lực lượng này có khả năng trở thành hiện thực hơn bao giờ hết. Chiến thắng của ISIL trong hơn tuần qua có thể ví như vụ 11-9-2001 tại khu vực Trung Đông, bởi rất có thể nó sẽ có những thay đổi sâu sắc.
Trước hết, nếu ISIL giành được chính quyền thì đây sẽ là một cú sốc và chắc chắn sẽ kéo theo những hệ lụy khủng khiếp. Sở dĩ cộng đồng quốc tế đang hết sức lo ngại điều này bởi lực lượng của ISIL thực chất là một nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda tại Iraq. Tiền thân của ISIL chính là những nhóm khủng bố nổi tiếng Jamaat al-Tawid và Jihad. Những lực lượng Hồi giáo cực đoan này cũng chẳng giấu diếm quan điểm bạo lực của họ khi công khai những băng hình video hành quyết những chiến binh chính phủ hay những thường dân theo dòng Shiite. Một nhà nước lấy đạo luật Hồi giáo hà khắc Sharia làm chuẩn mực sẽ đẩy đất nước Iraq vào vòng xoáy thù hận giữa hai dòng Sunni và Shiite, vốn dĩ luôn tiềm ẩn suốt chiều dài lịch sử của cộng đồng người Ả Rập.
Sở dĩ chính quyền Sadam Husein (đại diện cho những người Sunni) không nhận được sự ủng hộ của người Shiite trong cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược hồi năm 2003 cũng bởi chính sách phân biệt đối xử. Nhưng khi giành được chính quyền, chính phủ hiện tại của Thủ tướng Nouri al-Maliki (đại diện cho người Shiite) cũng có những chính sách chẳng khác là bao với người tiền nhiệm, khác biệt có chăng chỉ là mức độ hà khắc mà thôi. Một trong những nguyên nhân thất bại của lực lượng an ninh chính phủ vừa qua cũng chính bởi những phân biệt đối xử ngay trong hàng ngũ quân đội.
Trên thực tế, tuy chưa giành được chính quyền nhưng những lực lượng của ISIL đã tiến hành hàng loạt biện pháp nhằm trả thù người Shiite. Nguy hiểm hơn, thành công của ISIL sẽ là minh chứng có tính thuyết phục nhất cho ước nguyện của trùm khủng bố Bin Laden – thủ lĩnh tinh thần của Al Qaeda, về việc thành lập một nhà nước Hồi giáo cực đoan. Đương nhiên, ISIL sẽ không chỉ là nguồn cổ vũ tinh thần mà còn là nơi cung cấp tài chính, vũ khí v.v. cho những lực lượng Taliban hay Boko Haram. Khi đó, với khả năng truyền nhiễm nhanh và mạnh, chẳng ai dám chắc là mô hình nhà nước Hồi giáo cực đoan này chỉ dừng lại ở miền đất Thánh Trung Đông.
Ngay lập tức, cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng nhằm ngăn chặn viễn cảnh khủng khiếp này. Chưa cần biết phiến quân ISIL sẽ giành thắng lợi tới mức độ nào, nhưng chính những phản ứng đầu tiên này lại đang hé mở những thay đổi, có thể có tính bước ngoặt của khu vực.
Phản ứng của chính phủ Iraq cho thấy khả năng có xáo trộn trong cỗ máy của ê kíp Maliki trong thời gian tới rất dễ xảy ra. Sự thay đổi này chắc chắn sẽ có tác động không chỉ tới tình hình chiến sự mà có thể tới nhiều mối quan hệ quốc tế của nước này. Ngày 13-6-2014, trước thảm bại của lực lượng quân đội chính phủ Giáo Chủ Ayatollah Ali al-Sistani đã ra lời kêu gọi người dân – các tín đồ theo dòng Shiite tự trang bị vũ khí để hỗ trợ cho chính phủ Iraq chống lại sức tiến của phiến quân ISIL. Sự tham gia của người dân ít nhiều sẽ có tác dụng lên dây cót tinh thần, cộng với những nguồn lực hỗ trợ chắc chắn có từ phía Mỹ, quân đội chính phủ Iraq sẽ có những hành động quyết liệt hơn, và như vậy giao tranh trong thời gian tới sẽ quyết liệt hơn. Chính trường Iraq càng thêm phức tạp bởi những hoạt động trục lợi từ tình hình giao tranh hiện tại của dân tộc thiểu số Kurd, vốn có tham vọng từ lâu thành lập một nhà nước riêng trên vùng lãnh thổ giáp biên giới với Thổ Nhĩ kỳ. Một cuộc nội chiến đang ló dạng tại Iraq.
Phản ứng của Mỹ cũng có thể tạo đột biến trong khu vực. Trả lời trong cuộc họp báo ngày 13-6-2014, Tổng thống Mỹ B. Obama khẳng định sẽ hỗ trợ chính phủ Iraq bằng mọi giá, ngoại trừ việc đưa bộ binh quay trở lại nơi đây. Người Mỹ không thể bỏ rơi chính quyền hiện tại của Iraq là điều hoàn toàn dễ hiểu. Sự sụp đổ của chính phủ Iraq đồng nghĩa với những tổn thất của Mỹ trong 10 năm ở Iraq (Mỹ đã tiêu tốn khoảng hơn 4.000 tỷ USD, 4.500 lính Mỹ đã chết tại chiến trường này) trở nên vô ích. Thậm chí Tổng thống Obama có thể trở thành tội đồ của nước Mỹ, bởi chiến thắng của ISIL, một mặt khiến quyết định rút quân vào năm 2011 trở thành thảm họa, mặt khác nước Mỹ sẽ lại phải bước vào một giai đoạn mới của cuộc chiến chống khủng bố, chắc chắn sẽ rất khốc liệt.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ nếu chỉ tăng cường viện trợ cho chính phủ Iraq và có thể cả tiến hành các đợt không kích thì liệu Mỹ có thể ngăn cản được đà tiến của ISIL. Chính vì thế, khả năng Nhà Trắng sẽ hợp tác với Iran rất có thể trở thành sự lựa chọn của những người vẫn đang kiên định với chính sách thực dụng.
Liên kết Mỹ - Iran nếu hình thành thì đây mới thực sự là sự thay đổi lớn nhất. Với chính phủ của Tổng thống Hassan Rouhani, những người theo dòng Shiite, thành công của ISIL cũng đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích của Iran. Ngày 16-6-2014, Tổng thống Rouhani tuyên bố sẽ "làm mọi cách để bảo vệ Iraq và những Thánh đường của người Shiite", đồng thời Iran cũng đã cử hai tiểu đoàn thiện chiến thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng tới Baghdad để giúp chính phủ Iraq. Có vẻ như nguy cơ ISIL đủ xung lực giúp Mỹ và Iran gạt bỏ đi quá khứ căng thẳng để tiến tới một liên kết. Tất nhiên, để đạt được điều này, hai bên sẽ phải có những thỏa hiệp, trước hết là trong vấn đề hạt nhân của Iran. Khác với thỏa thuận giữa Iran và P5+1 hồi tháng 11-2-2013, Mỹ sẽ không quá lo ngại liên kết này sẽ gây rạn nứt, thậm chí đổ vỡ quan hệ với các đồng minh Israel và Ả Rập Xê-út. Bởi lẽ, giờ đây nỗi lo sợ ISIL khiến Tel Aviv không thể "vật mình, vật mẩy" với Mỹ. Nhưng không như với Mỹ, khả năng hòa giải giữa Israel và Iran nhờ nguy cơ ISIL, như đã từng xảy ra giữa Israelvới Ai Cập hồi năm 1978, vẫn còn xa vời. Bất luận thế nào thì liên kết Mỹ - Iran nếu hình thành, chắc chắn hầu hết các mối quan hệ tại Trung Đông sẽ có những biến đổi.
Có lẽ chỉ nay mai chúng ta sẽ chứng kiến thêm một sự thay đổi nữa trong khu vực, mà dư âm của nó chắc chắn không hề nhỏ - phản ứng của chính phủ Syria. Đương nhiên, ISIL cũng là nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an nguy của Syria, bởi hiện nay ISIL chiếm cứ một vùng lãnh thổ trải dài từ Iraq sang Syria. Loại bỏ được ISIL giúp Tổng thống mới tái đắc cử Bashar al-Assad giảm nhẹ gánh nặng trong cuộc nội chiến, đồng thời có thể tạo ra những cơ hội cải thiện quan hệ với Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Ở một góc độ nào đó, nếu vì ISIL mà một liên kết Mỹ - Iran - Syria hình thành thì quả thật ISIL đã hoàn thành một sứ mạng lịch sử "vô tiền khoáng hậu" đối với Trung Đông, điều mà chưa có bất cứ một thế lực nào có thể làm được. Song, đây mới chỉ là dự báo, cục diện quân sự tại Iraq trong thời gian tới sẽ trả lời cho tất cả.