HĐBA Liên hợp quốc thông qua nghị quyết về Iraq
Có thể đó là nhờ tinh thần hợp tác từ thời Chiến tranh Thế giới thứ II đã được hâm lại tại lễ kỷ niệm lần thứ 60 ngày quân đồng minh đổ bộ lên Normandy hồi tuần trước khi Tổng thống George Bush và người đồng nhiệm Jacques Chirac đứng sát cánh bên nhau.
Bất kể vì lý do gì đi chăng nữa, Mỹ và Anh đã giải quyết được những bất đồng lâu nay của họ với Pháp và Nga - hai đồng minh trong Chiến tranh Thế giới thứ II phản đối cuộc chiến tranh Iraq do Mỹ cầm đầu và giữ quyền phủ quyết tại HĐBA.
Hôm thứ ba, 8-6, sau khi Pháp bật đèn xanh đồng ý ủng hộ bản nghị quyết đã được sửa đổi do Mỹ và Anh đệ trình, tất cả các thành viên HĐBA đã nhất trí thông qua nghị quyết cho phép lực lượng liên quân tiếp tục ở lại Iraq sau khi chuyển giao quyền lực cho chính phủ lâm thời Iraq vào cuối tháng này.
Điểm quan trọng nhất gây nhiều tranh cãi trước đây là liệu người dân Iraq sẽ có quyền kiểm soát việc triển khai các lực lượng do Mỹ cầm đầu ở Iraq hay không. Pháp và các nước khác luôn muốn chính phủ của tân Thủ tướng Ayad Allawi được trao quyền dưới hình thức tương tự như quyền phủ quyết các hành động của binh lính nước ngoài. Mỹ nói rằng vấn đề này không bàn nữa và sự dàn xếp cho việc tham khảo ý kiến chính phủ Iraq về các hoạt động quân sự sẽ được đề cập trong các văn kiện riêng giữa Mỹ và Iraq chứ không phải là trong nghị quyết của LHQ.
Sau nhiều ngày tranh cãi, hai bên đã đồng ý giải quyết sự khác biệt: từ “phủ quyết” không xuất hiện trong nghị quyết nhưng nó khẳng định rằng quyền của chính phủ Iraq được “phối hợp và tham khảo ý kiến chặt chẽ”, đặc biệt về “các chiến dịch tấn tấn công nhạy cảm”. Cụm từ trong ngoặc kép sau dường như nhằm trao cho các bộ trưởng trong nội các của ông Allawi quyền được kiềm chế các sĩ quan quân đội Mỹ nếu họ lại bao vây các tay súng Hồi giáo dòng Sunni ở Fallujah và dòng Shitte chung quanh thành phố Najaf là vấn đề gây nhiều tranh cãi gần đây.
Nghị quyết giờ đây cho biết rõ ràng hơn rằng thời hạn các lực lượng do Mỹ chỉ huy ở Iraq sẽ hết hạn vào tháng 1-2006, vào thời điểm đó Iraq sẽ có một chính phủ và quốc hội mới được bầu ra theo một hiến pháp mới. Đồng thời, chính phủ Iraq có quyền ra lệnh cho binh lính nước ngoài rút khỏi đất nước vào bất cứ thời điểm nào - mặc dù ông Allawi tuyên bố rõ ràng rằng ông chấp nhận việc cần thiết để các lực lượng nước ngoài ở lại Iraq vào thời điểm hiện nay. Tuy Pháp vẫn còn một số mối lo ngại về bản nghị quyết đã được sửa đổi nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Michel Barnier hôm qua tuyên bố rằng điều này là không đủ để ngăn cản Pháp không bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết.
Trước khi LHQ bỏ phiếu, hai vụ tấn công bằng ô tô bom ở miền bắc Iraq đã chứng tỏ tình hình an ninh ở Iraq vẫn rất bất ổn. Trong vụ nổ đầu tiên, bên ngoài một căn cứ quân sự Mỹ ở Baquba, bốn người Iraq và một lính Mỹ đã bị giết. Ngay sau đó, ít nhất có chín người Iraq bị thiệt mạng khi ba kẻ đánh bom tự sát cho nổ tung một chiếc xe taxi ở gần văn phòng thị trưởng thành phố Mosul.
Trong nỗ lực đàn áp các cuộc nổi dậy ở Iraq và tiến tới gần thời điểm khi Iraq có thể tự kiểm soát an ninh, ông Allawi tuyên bố hôm qua rằng ông đã đạt được thỏa thuận về việc giải tán chín tổ chức quân sự với khoảng 100.000 quân. Phần lớn số quân này sẽ gia nhập các lực lượng vũ trang mới của Iraq trong khi số còn lại sẽ hoặc là được đào tạo để làm các công việc dân sự hoặc là làm việc cho các hãng an ninh, hoặc nhận lương hưu. Phần lớn các nhóm quân sự ở Iraq sẽ tham gia lực lượng vũ trang quốc gia, trong đó có 75.000 tay súng peshmerga người Kurd và 15.000 tay súng Hồi giáo dòng Shiite thuộc Tổ chức Badr.
Tuy nhiên, khoảng 10.000 tay súng Hồi giáo theo dòng Shiite trung thành với giáo sĩ Muqtada al-Sadr sẽ không tham gia vào các lực lượng vũ trang Iraq. Ông Allawi cho rằng nếu họ tham gia sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Ông nói: “Cho đến thời điểm này, tất cả các lực lượng vũ trang nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nước đều bất hợp pháp. Những ai mà đã lựa chọn con đường bạo lực và tình trạng vô luật pháp sẽ bị xử lý nghiêm khắc”.
Vấn đề kiểm soát dầu lửa
Nghị quyết LHQ cũng trao cho chính phủ Iraq toàn quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước - quan trọng nhất là các mỏ dầu lớn. Tuy nhiên, trước mắt, các khoản thu được từ bán dầu mỏ sẽ phải chịu sự kiểm toán quốc tế. Một mối lo ngại lớn hơn đối với ông Allawi là các cuộc tấn công của những người nổi dậy ngày một gia tăng nhằm vào đường ống dẫn dầu quan trọng của Iraq đến Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm giảm năng lực xuất khẩu của Iraq.
Người Kurd hy vọng rằng nghị quyết sẽ tái khẳng định việc họ được hưởng quyền tự trị ở phía bắc Iraq. Tuy nhiên, giáo sĩ cấp cao nhất của người Hồi giáo dòng Shiite chiếm đa số ở Iraq, Grand Ayatollah Ali Sistani, đã kịch liệt phản đối việc trao quyền tự trị cho các nhóm dân tộc thiểu số. Vì vậy, vấn đề này đã không được đề cập trong bản nghị quyết.
Sự nhất trí tại LHQ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ông Bush khi ông chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh G8 vào tuần này vì ông không muốn những tranh cãi về vấn đề Iraq phủ bóng đen lên hội nghị. Tuy nhiên, trong khi những tranh cãi về quyền kiểm soát binh lính nước ngoài của Iraq đã được giải quyết, các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị này sẽ vẫn phải tìm kiếm sự thỏa thuận về một vấn đề gai góc khác không kém: bao nhiêu trong số 120 tỷ USD tiền nợ nước ngoài của Iraq sẽ được xóa. Ông Bush dự định sẽ kêu gọi các nước xóa nợ ít nhất 4/5 số đó - và có thể tới 95% - trong khi hai chủ nợ lớn nhất của Iraq là Pháp và Nga không đồng ý.