EU – Vì sao nên nỗi?!
Thực tế không thể phủ nhận, đây đều là những vấn đề hết sức nan giải, nhưng việc chúng khiến EU – một tổ chức khu vực có nguồn lực lớn nhất cùng với sự gắn kết cao nhất thế giới, phải chật vật đến vậy thì không mấy ai có thể tưởng tượng được ra. Các quyết sách vẫn liên tục được đưa ra từ Brussels nhưng chỉ càng khiến EU lún sâu hơn vào bế tắc và chia rẽ.
Trong trường hợp với Hy Lạp, việc buộc phải chữa trị cho “con bệnh nợ công” này, rõ ràng là một điều hiển nhiên đối với EU, bởi ngoài những hệ lụy nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn tới phá vỡ tính toàn vẹn của không chỉ khu vực đồng euro mà có thể là của toàn khối, thì xét cho cùng để Hy Lạp rơi vào thảm cảnh hiện nay có một phần lỗi thuộc về EU. Nếu các chủ nợ IMF hay Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) không quá dễ dãi trong các khoản vay thì chắc chắn các nhà lãnh đạo Hy Lạp đã không "vung tay quá trán" đến vậy.
Tuy nhiên, không phải tất cả 28 thành viên EU đều có chung một nhận thức như vậy, một số thành viên, điển hình như nước Anh, cho rằng không thể lấy công quỹ của EU để cứu Hy Lạp, bởi trách nhiệm phải thuộc về các nhà lãnh đạo Hy Lạp. Bất đồng ngay từ điểm xuất phát đã dẫn tới sự chia rẽ cả trong việc lựa chọn liệu pháp chữa trị cho Hy Lạp. Ngay cả khi đã đạt được sự đồng thuận về việc sẽ cứu trợ tài chính cho Hy Lạp, nội bộ EU lại tiếp tục phân hóa trong việc xác định mục đích của các gói cứu trợ này – giúp Hy Lạp trả nợ hay thúc đẩy nền kinh tế nước này quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Thắng lợi của đảng cánh tả Syriza (tháng 2-2015) đã đe dọa nghiêm trọng tới quan điểm “thắt lưng buộc bụng” đang chiếm ưu thế trong nội bộ EU. Suốt trong nửa năm qua, các nhà lãnh đạo EU chỉ tìm cách “thuần hóa” Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras mà bỏ qua một thực tế, các gói cứu trợ hoàn toàn không hiệu quả do chỉ thực hiện duy nhất một mục đích là giúp Hy Lạp trả nợ. Chính sách khắc khổ, điều kiện để nhận được các gói cứu trợ, chỉ càng khiến nền kinh tế Hy Lạp ngày càng lún sâu vào tình trạng khủng hoảng, và kết quả mà EU nhận được thật trớ trêu: đúng vào thời điểm chính phủ Hy Lạp chấp nhận mọi điều kiện của ba chủ nợ để có được gói cứu trợ thứ ba thì thủ tướng Tsipras tuyên bố từ chức (ngày 20-8-2015).
Giờ đây, chắc EU cũng không thể xác định được nên vui hay buồn với kết quả của cuộc bầu cử trước thời hạn tại Hy Lạp (theo kết quả bầu cử hôm 20-9-2015, ông Tsipras lại quay trở lại cương vị thủ tướng). Bởi xét cho cùng, nếu EU cứ tiếp tục toa thuốc “cứu trợ tài chính đi đôi với chính sách thắt chặt chi tiêu” thì nền kinh tế Hy Lạp khó có khả năng phục hồi dù ê-kíp lãnh đạo mới là người của đảng Syriza, Tân Dân chủ hay bất cứ một đảng nào khác.
Sự bế tắc của EU cũng thể hiện khá rõ trong cuộc khủng hoảng Ucraina. Trong suốt hơn một năm qua, việc Ucraina EU duy trì một chính sách nửa vời lâu tới mức khiến các bên liên quan phải đặt câu hỏi: “Thực chất EU muốn đạt được điều gì trong vấn đề Ucraina?”.
Với chính quyền Kiev, EU vừa muốn lôi kéo (thông qua hiệp định thương mại) vừa lại không muốn phải dính líu sâu vào cuộc nội chiến (những khoản viện trợ nhỏ giọt cùng với thái độ không mấy mặn mà với đề xuất gia nhập EU của Ucraina). Với Nga, EU vừa muốn gây sức ép (bằng các biện pháp trừng phạt) để buộc Nga phải hoàn trả Crưm và chấm dứt can thiệp vào Ucraina, đồng thời, lại vẫn muốn duy trì hợp tác (Nga là nhà cung cấp năng lượng chủ yếu cho EU, và là nhân tố không thể thiếu trong bất cứ một giải pháp nào cho cuộc nội chiến tại Ucraina). EU rất muốn chấm dứt cuộc nội chiến tại Ucraina, và trên thực tế, đã nỗ lực để đạt được hai hiệp định Minsk (tháng 9-2014 và tháng 2-2015). Tuy nhiên, chính sách không rõ ràng của EU đã góp phần khiến các thỏa thuận Minsk cho đến nay vẫn chỉ dừng lại trên bàn giấy.
Cuộc khủng hoảng người di cư đã đẩy EU đến đỉnh điểm của sự chia rẽ và bế tắc. Việc tiếp nhận dòng người di cư từ Trung Đông, được cho là cao nhất kể từ sau Thế chiến II (theo số liệu thống kê của Cơ quan kiểm soát biên giới (Frontex) của EU, số người nhập cư trái phép vào châu Âu, chỉ riêng trong bảy tháng đầu năm 2015, đã lên tới gần 340.000 người, tăng tới 270% so với con số 123.500 người cùng kỳ năm 2014), đã khiến EU bị phân hóa thành hai nhóm có quan điểm đối lập nhau.
Trong khi một số nước, như Đức, Áo, Pháp, Italia, Anh, Thụy Điển, tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận, thì theo chiều ngược lại, những thành viên Đông Âu thì kiên quyết phản đối (điển hình là Hungary đã dựng những hàng rào dây kẽm gai suốt chiều dài biên giới với Serbia, Croatia, Romania để ngăn dòng người muốn đi qua nước này để tới Đức và Áo).
Màn khẩu chiến tại cuộc họp giữa các Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ của 28 thành viên EU (ngày 14-9-2015) đã khiến chẳng còn mấy ai nhớ tới một EU đã từng được coi là có mức độ gắn kết cao nhất thế giới với biểu tượng là hiệp ước Schengen (ký từ tháng 6-1990 về quyền tự do đi lại của công dân EU, hiện có 26 thành viên EU tham gia). Để phản đối kế hoạch phân bổ người xin tị nạn, Bộ trưởng Nội vụ Latvia đã hủy tham dự cuộc họp, còn Hungary và Slovakia đe sẽ dùng tới quyền phủ quyết. Ngược lại, đại diện từ nước Đức lại nhấn mạnh: "Chúng tôi không nghĩ rằng đây là một vấn đề của riêng từng quốc gia mà là vấn đề chung của cả châu Âu. Các thành viên cần phải đóng góp giải quyết vấn đề này". Trước đó, ngày 13-9, Thủ tướng Áo Werner Faymann thậm chí còn cảnh báo sẽ cùng với Đức xem xét trừng phạt những nước từ chối tham gia nhận hạn ngạch người di cư.
Còn về sự bế tắc của EU, có lẽ những tuyên bố của giới chức Đức, đầu tàu của nhóm ủng hộ tiếp nhận người di cư, là minh chứng sinh động nhất. Ngay bên thềm cuộc họp các Bộ trưởng Tư pháp và Nội vụ EU, ngày 13-9, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere tuyên bố, nước này đã tạm thời tiến hành các biện pháp kiểm soát dọc đường biên giới với Áo và áp dụng trở lại các thủ tục trước đây đối với người di cư.
Hành động này của Đức sẽ là hoàn toàn hợp lý nếu căn cứ vào số người tị nạn lên tới 63.000 tràn vào Munich (thủ phủ của bang Bavaria) chỉ trong hai tuần khiến giới chức bang hoàn toàn mất kiểm soát. Nhưng khổ một nỗi là trước đó chỉ hai tuần, đầu tháng 9-2015, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố: "Đức sẽ tiếp nhận vô điều kiện công dân Syria", và ngay sau đó ông Manfred Schmidt, Chủ tịch Văn phòng quản lý di cư và người tị nạn Đức khẳng định: "Đức sẽ tiếp nhận 800 ngàn người di cư trong năm 2015".
Nhìn chung, EU đang bị phân hóa sâu sắc bởi sự bế tắc từ việc tiếp nhận, phân loại đến tái định cư và công ăn việc làm cho dòng người di cư vẫn đang ngày một gia tăng. Điều đáng bàn ở đây, là vì sao một tổ chức khu vực mạnh nhất thế giới lại lâm vào tình cảnh hiện tại?
Nguyên nhân đầu tiên có lẽ chính là bởi số lượng và chất lượng thành viên của EU. Việc kết nạp vội vã nhiều thành viên chưa đủ tiêu chuẩn, điển hình như trường hợp của Hy Lạp, cộng với sự đa dạng về trình độ phát triển tất yếu dẫn đến những khác biệt trong nhận thức lẫn lợi ích của mỗi thành viên. Những giải pháp có tính áp đặt từ một số thành viên thành công hơn, như Đức, Anh, Thụy Điển v.v. dù có được sự chấp thuận của số còn lại (theo đúng quy trình ra chính sách của EU) thì việc thực hiện cũng sẽ bất khả thi bởi nguồn lực của các thành viên không đồng nhất.
Khả năng đối phó có hạn của EU có thể coi là lý do tiếp theo. Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của mình, dường như giờ đây EU mới thực sự phải tự gồng mình lên giải quyết những vấn đề trên. Kinh nghiệm là thứ EU không thiếu nhưng là chưa đủ. Đơn cử, trong giai đoạn 1993-1995, EU cũng đã từng phải xử lý tới gần hai triệu người tị nạn từ cuộc chiến Bosnia-Herzegovina, nhưng đó lại thuần túy là dân cư châu Âu.
Đương nhiên, mức độ nan giải của các vấn đề, nhất là khi chúng ập đến châu Âu cùng một lúc càng khiến EU thêm phần lúng túng.
Tuy nhiên, nếu nhìn dưới góc độ tích cực thì rõ ràng, việc phải đối phó với những vấn đề nan giải phần nào giúp EU nhìn lại mình rõ hơn, để có thể hướng tới sự hoàn thiện hơn, bởi chắc chẳng có thành viên nào muốn tổ chức này tan rã.